THOÁT VÒNG TỤC LỤY*Chuong 11

Chương Mười Một

Thời gian thấm thoát trôi qua, bỗng chốc trời đã sang xuân; hoa đua nhau nở, đến đâu cũng thấy một màu xanh biếc và trên khắp các nẻo đường tràn ngập hương xuân.Hôm ấy Ngọc Lâm dậy sớm, làm các việc thường lệ xong, rồi lên xin phép hòa thượng Thiên Ẩn, sư ông tri khách và sư ông Duy Na nghỉ hai ngày để đi dự lễ xuất gia của Vương tiểu thư được cử hành tại Thiên Hoa Am.Từ sau ngày Thúy Hồng được gặp Ngọc Lâm, về thuật lại cho Vương tiểu thư biết là trừ phi nàng quyết chí xuất gia, thì Ngọc Lâm mới gặp nàng để nói chuyện.Trong thời gian đó, Vương tiểu thư vẫn viết thư tin cho Ngọc Lâm, mỗi lần Thúy Hồng mang thư đến đều trao tận tay cho Ngọc Lâm, Ngọc Lâm thấy lời lẽ trong thư rất lưu loát và hết sức vui mừng khi biết Vương tiểu thư nhất định xuất gia, vì thầy cho rằng nàng đã nhận thức được con đường nên đi!Vương tiểu thư muốn Ngọc Lâm đến dự lễ xuất gia của nàng, lúc đầu thầy từ chối, vì thầy tự nghĩ Vương tiểu thư tuy có nhiều thiện căn, song dầu sao nàng cũng chỉ là một người con gái, thầy đã từng làm lễ thành hôn với nàng, cùng tế bái trời đất, bây giờ xuất gia, tuy là việc rất đáng mừng, song lúc cử hành lễ, vốn dĩ đa tình, làm sao nàng có thể tránh khỏi xúc động và thương cảm. Thêm vào đấy, Vương tiểu thư cử hành lễ xuất gia rất trọng thể, cha mẹ nàng và họ hàng thân thích đều có mặt, lúc đó thầy sẽ nói với họ thế nào? Ngọc Lâm nghĩ tới đây liền nhất định không tham dự. Song Vương tiểu thư không những chỉ mời Ngọc Lâm chứng kiến lễ xuất gia của nàng, mà còn muốn tự tay Ngọc Lâm xuống tóc cho nàng. Không thể từ chối được, hơn nữa thầy vẫn còn nhớ lời sư huynh Ngọc Lam nói là cứu người phải cứu đến nơi đến chốn, nên cuối cùng Ngọc Lâm phải miễn cưỡng nhận lời.Trước khi lên đường, Ngọc Lâm suy nghĩ một hồi nên phục sức thế nào. Thầy có một chiếc áo bông do Vương tiểu thư biếu, chiếc áo đó vừa mới vừa đẹp, nhưng hiện giờ tiết xuân ấm áp ai lại đi mặc áo bông? Mà dù có mặc được chăng nữa, thầy cũng không nên mặc chiếc áo ấy để đi dự lễ. Ngoài chiếc áo ấy ra, Ngọc Lâm không còn cái nào đáng kể là cái áo. Nếu mặc chiếc áo đó thầy sẽ tăng thêm vẻ mỹ quan, người ngoài có thể lầm tưởng thầy vẫn còn muốn mưu đồ gì. Người tu có mầu sắc của người tu, bởi thế thầy quyết định mặc chiếc áo cũ hàng ngày đến Thiên Hoa Am dự lễ.

Khi tới Thiên Hoa Am, Ngọc Lâm đã thấy người ra vào tấp nập, ngoài cửa am có bốn người tỳ nữ đứng đón khách, những người này Vương tể tướng mới mướn để hầu hạ Vương tiểu thư. Hôm nay họ được cắt đứng ở cửa đón khách.Lúc đó Ngọc Lâm định tiến vào cửa, bốn người tỳ nữ đưa mắt nhìn thầy một lượt từ đầu đến chân, rồi với giọng riễu mát, họ hỏi:

Ngài từ đâu đến ạ?

Ngọc Lâm thật thà nhìn họ:

- Tôi từ chùa Sùng Ân!

- A! Ngài từ chùa Sùng Ân? Thế có phải Vạn Kim Hòa Thượng Ngọc Lâm cho ngài đến để báo tin trước?

Chả là những người tỳ nữ ấy thấy Ngọc Lâm còn ít tuổi, lại mặc áo cũ, rách nên lầm tưởng là người hầu của Ngọc Lâm!Bị hỏi dồn như thế, lúc đầu Ngọc Lâm nhíu mày, mắm môi, sau đó thầy biết là họ lầm, vì họ tưởng Ngọc Lâm là một vị Vạn Kim Hòa Thượng, đường đường tăng tướng, đâu có ăn mặc rách rưới như thế, nên Ngọc Lâm tự nghĩ: tại sao những người này chỉ nhìn người bằng phục sức bề ngoài mà không để ý đến những điểm khác; giả sử bây giờ đem một bộ áo long bào của nhà vua mặc cho một người bằng gỗ, không biết sau họ có chịu kết hôn với người đó không?Ngọc Lâm lại nghĩ rằng, cuộc đời vốn là một tấn tuồng, lúc thì đóng vai con cái, lúc thì đóng vai cha mẹ. Họ đã tưởng mình là người hầu của Ngọc Lâm đến báo tin trước, tại sao mình không lợi dụng cơ hội ấy để diễn một hồi kịch?

- Ngọc Lâm hòa thượng cũng sắp đến ạ! Không biết khỏi trễ giờ không?
- Có phải Ngọc Lâm hòa thượng sắp đến thì thôi, ông đừng nói lải nhải nữa
Đó là câu nói của Thúy Ngọc, một trong bốn người tỳ nữ. Với một giọng hết sức kiêu mạn, nàng nói tiếp:

- Lúc này Vương tể tướng và các quan khách cùng các đại lão hòa thượng hiện đang ngồi trong phòng khách nói chuyện, tiểu thư và cô Thúy Hồng đang ở nhà trong, ông đừng có xông xáo, đây có căn phòng nhỏ, ông hãy vào ngồi tạm một lát đi! Dứt lời, Thúy Ngọc đưa tay chỉ vào căn phòng ở đầu hồi dẫy nhà bên tay mặt.Ngọc Lâm không thèm nói gì thêm vì thầy cho rằng nói với những người ấy cũng vô ích, thầy chỉ thương hại cho họ đem thân làm tôi
tớ người ta, đã không biết tủi hổ thì thôi, lại còn hợm hĩnh lên mặt, tưởng ta đây danh dự lắm, thật cũng đáng thương!Ngọc Lâm tiến vào căn phòng, đưa mắt nhìn một lượt mới biết đó là phòng ngủ của người làm.Ngọc Lâm ngồi xếp bằng, nhắm mắt trầm tư.Ngọc Lâm cứ ngồi yên trong căn phòng, không ai đoái hoài đến thầy, cũng không ai cho một chén nước. Một lúc sau, lại vẫn con hầu Thúy Ngọc chạy vào, nói:

Tiểu thư cho cô Thúy Hồng ra hỏi tại sao giờ này mà thầy Ngọc Lâm vẫn chưa tới?

- Tôi không biết, hỏi họ xem! Ngọc Lâm đáp.

Thế thì Ngọc Lâm có dặn ông gì không?

- Người nói đến là khắc đến, không có dặn gì ai hết?

- Chán mớ đời, cái ông sư này thật ngốc quá!

Thúy Ngọc cũng đúng như Thúy Hồng lúc ban đầu đến chùa Sùng Ân, cậy thế của Vương tể tướng và tiểu thư, ra bộ ta đây giọng khinh khỉnh, miệt thị Ngọc Lâm.

Thúy Ngọc bước ra, Ngọc Lâm nhìn sau nàng bất gian than dài: "Thế mà loài người tự cho là thông minh lắm!"Sau một lúc lại vẫn con Thúy Ngọc kiêu mạn ấy vào, nói:

- Tiểu thư cho Thúy Hồng ra hỏi ông đó, ông ra ngay đi!

Ngọc Lâm lẳng lặng bước ra khỏi phòng.

Thúy Hồng vừa thấy Ngọc Lâm vội cúi đầu rồi quỳ xuống:

- Bạch thầy, thầy đã đến rồi!

Hiện nay Thúy Hồng vì cảm phục nhân cách của Ngọc Lâm và lại được Vương tiểu thư dạy bảo, nên đối với lễ nghi trong Phật Giáo nàng đã hiểu rất nhiều.

Tôi cũng mới đến, ngồi nghỉ trong này một lúc cho khỏe.

Thúy Hồng nhìn bốn người tỳ nữ:

- Thầy đến mà các người không chịu đón tiếp, lại nói thầy chưa đến, tôi hãy mách tiểu thư xem các người sẽ nói sao!

Thúy Hồng lấy tư cách của một người tỳ nữ kỳ cựu khiển trách những người hầu mới, làm họ không dám hé răng và toàn thân run như cầy sấy.

- Đừng trách họ, họ không biết tôi đến là vì tôi không nói rõ tên.

Ngọc Lâm nhận lỗi về phần mình để gỡ cho những người tỳ nữ.

- Bạch thầy, tiểu thư đang nóng lòng chờ đợi thầy, xin thầy vào ngay!
- Không được! - Ngọc Lâm nói - Để tôi vào chào Vương tể tướng đã.

Thúy Hồng đưa Ngọc Lâm vào nhà khách
- Bạch thầy, sao hôm nay thầy lại mặc áo rách vậy? - Thúy Hồng khẽ hỏi Ngọc Lâm.

- Phục sức chẳng qua là để che đậy thân thể và ngăn ngừa gió rét; còn mặc xấu hay mặc tốt thì cũng thế. Người ta cần có nhân cách và đức tính, chứ y phục không quan trọng lắm. Vả lại chiếc áo này của tôi vẫn còn tốt, mặc chưa được năm năm mà!

Hôm nay là lễ Thế Phát Xuất Gia trọng thể của Vương tiểu thư, Vương tể tướng tuy không mời ai, song những khách quý đến dự lễ cũng rất đông, mặc áo cũ kỹ sợ có mất thể diện chăng?
- Cô nói đúng, người đời phần nhiều thích hào nhoáng bên ngoài
Ngọc Lâm cho rằng trường hợp ấy không nên bàn cãi cao xa, nên thầy phụ họa với Thúy Hồng bằng một giọng trầm buồn.Khi Thúy Hồng đưa Ngọc Lâm đi ngang qua Phật điện, thầy đứng chính giữa vái ba vái. Thầy để ý nhìn cách kiến trúc ở Thiên Hoa Am, rất nguy nga tráng lệ, Vương tể tướng đã xây cất ngôi chùa này cho con gái trong sáu tháng trời.Sau đó Ngọc Lâm tiến vào nhà khách, gặp Vương tể tướng và thầy được Vương tể tướng giới thiệu với mọi người. Ngọc Lâm không có vẻ gì luống cuống cả, nhưng rất thản nhiên. Sau khi giới thiệu, Vương tể tướng khen ngợi Ngọc Lâm, nói với quan khách:

- Một người chân chính xuất gia học đạo, tài sắc, danh lợi không thể làm động tâm, thật đáng quý!

Sau khi Vương tể tướng nói, trong số quý khách có người nhìn Ngọc Lâm bằng ánh mắt kính mến, song cũng có người hoài nghi cứ nhìn thầy chằm chặp. Ngọc Lâm ngồi xuống ghế được một lát thì Thúy Hồng đứng bên cạnh đưa mắt ra hiệu giục thầy vào nhà trong gặp Vương tiểu thư, nhưng Ngọc Lâm cứ tảng lờ như không biết.Giờ làm lễ thế phát đã đến, tất cả quan khách đều được mời lên chính điện Vương tiểu thư quỳ trên chiếc chiếu giữa bàn Phật. Ngọc Lâm đứng bên cạnh nàng tay cầm con dao, khi các vị tăng, ni đứng hai bên, dâng hương, trì chú xong Ngọc Lâm đặt con dao lên đầu Vương tiểu thư và nhẹ nhàng cạo ba đường tóc, rồi nói với Vương tiểu thư:

- Dao thứ nhất: dứt trừ hết mọi điều ác.

- Dao thứ hai: nguyện làm hết thảy mọi điều thiện.

- Dao thứ ba: thề độ hết thảy chúng sinh.

Lúc mái tóc đen huyền của Vương tiểu thư rơi xuống đất, Ngọc Lâm vẫn bình thản và Vương tiểu thư thì lặng lẽ cúi đầu, những người đàn bà quý phái đứng ngoài, thấy thế đều rớt nước mắt. Xưa nay thấy một người thế phát xuất gia tức là người ấy bỏ con đường khổ não mà trở về con đường yên vui, điều đó là một việc đáng mừng, chính họ cũng thường nói như thế, họ cho rằng Vương tiểu thư đi xuất gia tức là từ nay nàng sẽ sống một cuộc đời thanh tịnh, tự tại, kiếp trước quả nàng đã có nhiều thiện căn.Song dù sao thì đàn bà vẫn là đàn bà, họ nói và nghĩ thế, nhưng giờ đây nhìn những sợi tóc của Vương tiểu thư kế tiếp nhau rơi xuống họ lại thở ngắn than dài và chan hòa nước mắt. Tâm lý của người đàn bà thật phức tạp, người ngoài khó mà hiểu được.Ngọc Lâm đối với việc Vương tiểu thư thế phát xuất gia, bề ngoài tuy tỏ ra bình thản, song trong lòng không khỏi cảm khái. Mặc dầu còn ít tuổi, chưa từng trải nhiều về trường đời, nhưng xưa nay thầy vốn không đồng ý việc để con gái còn trẻ tuổi đi xuất gia. Vì không còn cách nào để thoát ra khỏi vòng tình ái mà Vương tiểu thư đã lôi cuốn thầy vào, nên Ngọc Lâm đành phải dùng biện pháp khuyên nàng xuất gia. Nhưng đồng thời thầy cũng ký thác một hy vọng lớn lao vào việc xuất gia của Vương tiểu thư, vì thầy nhận thấy rằng đàn bà cũng chiếm một số lớn trong đoàn thể xuất gia của Phật Giáo. Trên danh nghĩa, tuy họ là đệ tử của Phật, có nhiệm vụ giác ngộ cho đời, song trên thực tế, chính họ cũng mê mờ như người trong mộng, đại đa số ở chùa, ngoại trừ sớm, tối hai thời công phu ra, họ không còn hiểu gì Phật pháp, như vậy thử hỏi làm thế nào Phật Giáo có thể hưng thịnh và tồn tại? Giả sử một số ít người có quan tâm đến sự sống còn của Phật Giáo thì họ lại cho đó là trách nhiệm của các vị tăng, cho nên, những trang sử huy hoàng của Phật Giáo Trung Quốc trong khoảng hơn một nghìn năm đều do các vị tăng ghi lại. Ni chúng là một phần tử trong xã hội Trung Quốc, địa vị của nữ giới Trung Quốc chưa được ngang hàng với nam giới, ni bộ trong Phật Giáo cũng chưa cho phép ni chúng được ngang hàng với tăng chúng, mà chính ni chúng cũng chưa hề tranh thủ địa vị bình đẳng cho mình.Hiện giờ Ngọc Lâm đặt hy vọng vào Vương tiểu thư, mong nàng có thể thành con hạc trắng giữa đám chim sẻ, vì nhờ ở tài trí thông minh, thêm vào đó là hoàn cảnh thân thế rất có thể nàng vì Phật Giáo mà cũng vì bản thân tạo nên một sự nghiệp oanh liệt, bởi thế thầy mới khuyên nàng xuất gia, mong có cơ hội chỉnh đốn lại ni chúng.Khi xuống tóc, Vương tiểu thư cúi đầu, nhắm mắt, nàng muốn nhìn Ngọc Lâm và muốn nói với thầy: "Đấy, bây giờ thầy đã thấy tôi xuất gia!", trong lòng nàng thầm nghĩ như vậy, song bầu không khí trang nghiêm trong điện Phật, khói trầm nghi ngút, thơm tho làm nàng không thể biểu lộ được tâm tư, lúc đó lòng nàng cũng chẳng phân biệt được buồn hay vui, nàng chỉ biết rằng nàng xuất gia là do Ngọc Lâm muốn thế. Vì vẫn còn yêu Ngọc Lâm, và cũng vì biết rõ đời rốt cuộc cũng chỉ là khổ, nên Vương tiểu thư chỉ còn biết hăng hái đón nhận lấy lẽ sống mới để trở thành con người hoàn toàn mới.

Sau lễ thế phát, Ngọc Lâm đặt pháp hiệu cho Vương tiểu thư là Giác Chúng, có nghĩa là ngày nay Vương tiểu thư không những tự mình đã giác ngộ, mà sau này nàng sẽ giác ngộ cho người khác.Sau cuộc lễ, quan khách lần lượt ra về, Vương tiểu thư vào tịnh thất nghỉ, bảo Thúy Hồng tiếp đãi Ngọc Lâm và mời thầy lưu lại mấy hôm, nàng còn nhiều vấn đề muốn hỏi thầy.Thúy Hồng dĩ nhiên phải vâng mệnh tiểu thư, nhưng do đó mà Ngọc Lâm phải một hồi chịu oan uổng!

HET CHUONG 11
Toi co tinh yeu rat man nong
Yeu doi yeu dao lan non song
tinh yeu chang chua trong hoan vu
khong chi yeu rieng kiep ma hong
TraMyLove



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét